Sau thành công của buổi sinh hoạt khoa học định kỳ CELG Seminar lần 1, sáng ngày 30/6, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đã tiếp tục tổ chức CELG Seminar lần 2 với chủ đề “The Mangrove-Fishery Linkage In The Mekong River Delta”.
Chương trình có sự tham dự của: TS. Phạm Khánh Nam – Phó Hiệu trưởng CELG, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh – Viện Trưởng Viện Kinh tế phát triển, cùng các Thầy/Cô là giảng viên của CELG và nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tại trường.
Chủ đề buổi seminar lần 2 là “THE MANGROVE-FISHERY LINKAGE IN THE MEKONG RIVER DELTA”, đây là một chủ đề mới lạ với phương pháp nghiên cứu thú vị được thực hiện bởi TS. Nguyễn Quang – Giảng viên Khoa Kinh tế CELG và TS. Trương Đăng Thuỵ, nội dung và kết quả đưa ra đã nhận được sự quan tâm thảo luận sôi nổi từ người tham dự.
Toàn cảnh chương trình
Để làm rõ các lý do lựa chọn chủ đề và hướng nghiên cứu, TS. Nguyễn Quang đề cập đến vai trò quan trọng của rừng ngập mặt và mối liên hệ giữa rừng ngập mặn với việc đánh bắt thủy hải sản gần bờ tại Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, diện tích rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm mạnh trong vài thập kỷ trước, việc đưa ra những chính sách bảo vệ rừng của chính phủ đã giúp tăng diện tích rừng trở lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là tác động của các chính sách này không đồng đều, diện tích rừng ngập mặn chủ yếu được khôi phục ở một số địa bàn nhất định. Trong bài nghiên cứu này tác giả đã phân tích tác động của rừng ngập mặn đối với nghề đánh cá ven bờ của các cộng đồng địa phương ở ĐBSCL. Ước tính của tác giả cho thấy sự tăng lên trong diện tích rừng ngập mặn làm tăng sản lượng khai thác thủy sản ven bờ của địa phương và cải thiện năng suất biên của các đầu vào như tàu thuyền và lao động. Phân tích chi tiết cho thấy, rừng ngập mặn có lợi cho cả những ngư dân giàu có, thường đầu tư mạnh vào tàu cá và ngư cự, và cả những ngư dân nghèo, vốn sử dụng nhiều sức lao động. Mặt khác, việc giảm diện tích rừng ngập mặn ở ĐBSCL đã có ảnh hưởng lớn đến sinh kế của ngư dân nghèo. Từ đó, nghiên cứu đề xuất rằng, nhằm mang lại lợi ích bền vững cho sinh kế địa phương, các chính sách tái trồng rừng nên được thực hiện một cách đồng đều nhằm tăng diện tích rừng ngập mặn ở khắp các các khu vực thay vì tập trung vào một số địa bàn nhất định.
TS. Nguyễn Quang trình bày bài nghiên cứu
Trên thực tế đã có nhiều nghiên cứu về rừng ngập mặn và hoạt động đánh bắt gần bờ tại các nước, tuy nhiên điểm mới của nghiên cứu lần này là nhóm tác giả đã xây dựng được mô hình đánh bắt ở cấp độ cá nhân, trong đó có lồng ghép yếu tố tự nhiên môi trường để đánh giá lợi ích của rừng ngập mặn lên hoạt động sinh kế của các cộng đồng địa phương. Phần trình bày bài nghiên cứu của TS. Nguyễn Quang đã thu hút nhiều nhận xét và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự, từ đó chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế nghiên cứu, xử lý số liệu và mở ra hướng nghiên cứu tương lai cho lĩnh vực này.
Trao đổi giữa diễn giả và các nhà nghiên cứu tham dự
Trên tinh thần chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, buổi tọa đàm CELG Senimar lần 2 đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến những kiến thức hữu ích cho người tham dự. Dự kiến, buổi sinh hoạt tiếp theo trong chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ CELG Seminar sẽ diễn ra trong tháng 7/2022.
*Về diễn giả: TS. Nguyễn Quang tốt nghiệp tiến sĩ ngành Khoa Học Đời Sống và Công Nghệ Môi Trường tại Đại học Okayama, Nhật Bản, và hiện là giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG).
Một số hình ảnh khác tại buổi sinh hoạt: