Sinh hoạt học thuật định kỳ CELG: “Rapid structural change and better jobs: Special Economic Zones, FDI and Labour Markets in Vietnam”

Vừa qua, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức CELG Seminar với chủ đề “Rapid structural change and better jobs: Special Economic Zones, FDI and Labour Markets in Vietnam”. Diễn giả trình bày là Nghiên cứu sinh Tevin Tafese, Đại học Göttingen.

Buổi sinh hoạt có sự tham dự của TS. Trần Quang Văn – Đại học Quốc gia TP. HCM; TS. Lê Vĩnh Triển – Khoa Quản lý nhà nước; TS. Hồ Quốc Thông, TS. Nguyễn Thị Hoàng Oanh, ThS. Nguyễn Ngọc Danh – Khoa Kinh tế cùng các nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tiến sĩ tại trường.

Nhóm tác giả đánh giá tác động của việc tham gia của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) đến thị trường lao động thông qua phân tích việc mở rộng quy mô của các đặc khu kinh tế tại các quận huyện trong cả nước. Trong hơn 20 năm, Việt Nam đã tham gia một cách sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chains) bằng việc thành lập hơn 300 đặc khu kinh tế (SEZ) trên cả nước. Nhóm tác giả sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Google Earth để theo dõi sự thay đổi về cơ sở hạ tầng của các đặc khu kinh tế tại 708 quận huyện trên 63 tỉnh thành khắp cả nước trong khoảng thời gian (2000-2020). Những hình ảnh chụp từ vệ tinh và dữ liệu từ các khảo sát về lực lượng lao động Việt Nam hàng năm trên toàn quốc để xây dựng một thước đo mức độ tiếp xúc của thị trường lao động với các SEZ hàng năm. Nhóm tác giả xem xét các tác động của SEZ đối với thị trường lao động, bao gồm cả sự tham gia của thị trường lao động, thay đổi cơ cấu (lựa chọn ngành và nghề nghiệp) và tiền lương. Nhóm tác giả nhận thấy rằng, tác động mạnh mẽ của SEZ đối với thị trường lao động địa phương. Ở các quận, huyện có các đặc khu kinh tế, tỉ lệ có việc làm cao hơn, mọi người làm việc ít giờ hơn và họ chuyển từ các nông hộ sang các công ty tư nhân cũng như nước ngoài. Những thay đổi lựa chọn nghề nghiệp này diễn ra mạnh mẽ đối với phụ nữ. Hơn nữa, thu nhập tiền lương tăng ở các quận có sự xuất hiện của SEZ, và tiền lương theo giờ thậm chí còn tăng nhiều hơn, đặc biệt đối với nữ giới. Tuy nhiên, những tác động của SEZ phần lớn chỉ giới hạn trong các ngành nghề sản xuất và công nhân trong các công ty sản xuất nước ngoài và có phần hạn chế đối với các công ty trong nước.

Phần trình bày của nghiên cứu sinh Tevin Tafese đã thu hút sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự để tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu. Với tinh thần trao đổi học thuật tích cực, buổi sinh hoạt CELG seminar diễn ra thành công tốt đẹp. Rất mong nhận được sự quan tâm tham gia từ quý nhà nghiên cứu.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

Nghiên cứu sinh Tevin Tafese trình bày bài nghiên cứu

Diễn giả lắng nghe câu hỏi của người tham dự

Quý Thầy, Cô và sinh viên tham dự hội thảo

TS. Lê Vĩnh Triển trao quà và cám ơn diễn giả

Lưu niệm kết thúc hoạt động

TIN TỨC - SỰ KIỆN

Find Related Articles

Điền địa chỉ mail của bạn

Theo dõi trang CELG để cập nhật thông tin mới.