Ngày 22/09/2022, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) tiếp tục tổ chức buổi sinh hoạt học thuật định kỳ CELG Seminar với chủ đề “A risk-risk trade-off assessment of climate-induced mortality risk changes”. Diễn giả trình bày là Tiến sĩ Irene Mussio, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Newcastle.
Chương trình có sự tham dự TS. Phạm Khánh Nam – Phó Hiệu Trưởng CELG, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan – Trưởng bộ môn Bất động sản (Khoa Kinh tế), cùng các Thầy/Cô là giảng viên của CELG và nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tiến sĩ tại trường.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt
Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người là chủ đề được chú trọng trong hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UN Climate Change Conference COP26). Trong phần trình bày của mình, Tiến sĩ Irene Mussio cung cấp kết quả nghiên cứu về rủi ro tử vong do biến đổi khí hậu và đưa ra các gợi ý chính sách. Trên thực tế, Vương quốc Anh đã sử dụng chỉ số Giá trị sinh mạng thống kê (The Value of Statistical Life – VSL)¹ ước tính 2,14 triệu bảng Anh cho mỗi ca tử vong do tai nạn giao thông được ngăn chặn (tháng 12 năm 2021) để định lượng giá trị của các chính sách nhằm giảm rủi ro tử vong. Mặc dù vậy, cách tiếp cận này vẫn còn đang thu hút sự thảo luận. Câu hỏi thực nghiệm được nhóm tác giả quan tâm là giá trị VSL đối với tai nạn giao thông có nên được áp dụng trong các tình huống khác và đặc biệt đối với các trường hợp tử vong do thiên tai hay không. Nhóm tác giả thu thập số liệu tại Vương quốc Anh để ước tính và tìm hiểu sự đánh đổi khi so sánh các rủi ro, trên cơ sở hai lý thuyết về hành vi con người (Construal Level theory và Regulatory Focus theory). Nhóm tác giả thiết kế một khảo sát đo lường sự yêu thích/ưa chuộng (Stated Preference Survey) của mọi người, sử dụng các câu hỏi phi tiền tệ về sự đánh đổi giữa rủi ro tử vong do thiên tai và rủi ro tử vong do tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị sinh mạng thống kê sẽ dao động từ 2,52 triệu bảng Anh đến 3,41 triệu bảng Anh cho mỗi ca tử vong do biến đổi khí hậu/thiên tai được ngăn chặn. Hay nói cách khác, để giảm nguy cơ tử vong do biến đổi khí hậu gây ra, xã hội chấp nhận chi ra số tiền giao động từ 2,52 đến 3,41 triệu bảng Anh cho mỗi sinh mạng. Nhóm tác giả nhận thấy giá trị chi phí thiên tai (a premium for extreme weather event fatality risks) bị ảnh hưởng đáng kể bởi cả yếu tố hành vi và kinh nghiệm trước đó của mỗi cá nhân. Nhóm tác ghi nhận tầm quan trọng của việc hiểu biết sâu sắc về hành vi trong việc xác định hiệu quả kinh tế của các chính sách.
TS. Irene trình bày bài nghiên cứu
Chủ đề nghiên cứu của Tiến sĩ Irene Mussio thu hút sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự, đặc biệt khi áp dụng nghiên cứu này cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động thảo luận gợi mở nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được phân tích và nghiên cứu trong tương lai như mở rộng nghiên cứu cho các quốc gia khác hay phân tích việc trải qua thiên tai trước đó ảnh hưởng như thế nào tới giá trị chi phí thiên tai.
TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan đặt câu hỏi cho diễn giả
Với tinh thần trao đổi học thuật tích cực, buổi sinh hoạt CELG seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp. Dự kiến buổi sinh hoạt tiếp theo trong chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ CELG Seminar sẽ diễn ra trong tháng 10/2022. Rất mong nhận được sự quan tâm tham gia từ quý nhà nghiên cứu.
¹ Khái niệm Sinh mạng thống kê xuất phát từ Nhà kinh tế học Thomas Schelling (1921 – 2016), cựu giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard. Ông được trao giải Nobel về kinh tế học năm 2005 về những công trình nghiên cứu liên quan đến lí thuyết trò chơi (game theory). Năm 1968 Schelling có một phát kiến rất thú vị mà ông gọi là “Statistical Life” và cách lượng giá sinh mạng thống kê là “Value of Statistical Life”. VSL là một ước số, hay một cách định lượng giá trị mà xã hội chấp nhận để giảm nguy cơ tử vong. Ví dụ như để giảm nguy cơ tử vong từ Covid19 từ x1 xuống còn x2, xã hội phải chi ra một số tiền và số tiền đó được cộng đồng chấp nhận. (https://nguyenvantuan.info/)