Sáng ngày 22/08/2022, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) tiếp tục tổ chức buổi sinh hoạt học thuật định kỳ CELG Seminar tại hội trường B1.1001 với chủ đề “Impact on the power mix and economy of Japan under a 2050 carbon-neutral scenario: Analysis using the E3ME macro-econometric model”. Diễn giả trình bày là Giáo sư Soocheol Lee – Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Châu Á (AAERE).
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Võ Tất Thắng – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI); TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Trưởng bộ môn Kinh tế – Kế hoạch – Đầu tư (Khoa Kinh tế); cùng các Thầy/Cô là giảng viên của CELG và nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tiến sĩ tại trường.
Nghiên cứu của Giáo sư Soocheol Lee chỉ ra rằng, việc trung hòa khí hậu không bắt buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, nó có thể đem đến nhiều cơ hội về kinh tế nhờ vào việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ khử carbon.
GS. Soocheol Lee trình bày bài nghiên cứu
Việc giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời mang ý nghĩa quá trình chuyển đổi hướng đến đạt trạng thái lượng phát thải ròng bằng 0 (Net zero transition) không còn dựa vào năng lượng hạt nhân đắt đỏ. Giá trị thực của năng lượng hạt nhân có thể cao gấp nhiều lần khi tính đến chi phí đảm bảo an toàn. Thay vào đó, việc đầu tư cho việc dự trữ điện nên được ưu tiên. Đồng thời, sự phối hợp các chính sách trung hòa carbon cho từng ngành là cần thiết. Những nhà hoạch định chính sách không nên chỉ dựa vào các công cụ định giá carbon, những chính sách bổ trợ như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp sản xuất năng lượng tái tạo, các cơ chế giảm nhu cầu sử dụng năng lượng nên được cân nhắc.
Nghiên cứu này sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô E3ME để mô phỏng nền kinh tế vĩ mô của Nhật Bản và cơ cấu năng lượng của Nhật Bản sẽ thay đổi như thế nào nếu quốc gia này đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050. Kết quả chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 90% cơ cấu cung năng lượng vào năm 2050 với giả định các nhà máy điện hạt nhân bị loại bỏ dần vào năm 2040. Kết quả nghiên cứu ước tính GDP sẽ tăng 4,0% – 4,5% so với năm cơ sở và việc làm sẽ cải thiện 1,5% – 2,0%. Điều này cho thấy, trung hòa carbon đi đôi với tăng trưởng kinh tế. Kết quả kỳ vọng này là do việc tăng cường đầu tư vào gia tăng công suất phát điện tái tạo trong ngành điện đi kèm với việc tăng cường đầu tư vào công nghệ khử cacbon trong các khu vực kinh tế riêng lẻ; sự tăng tỉ lệ có việc làm khiến tốc độ tăng thu nhập từ lương nhanh hơn tốc độ tăng chi phí năng lượng và việc tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả; cán cân thương mại được cải thiện do nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch giảm đáng kể. Ngoài ra, chi phí năng lượng do các chính sách cắt giảm hoặc loại bỏ carbon sẽ tăng cao nhất là 45% – 55% so với năm cơ sở kể cả vào năm 2050; tuy nhiên, điều này sẽ không gây gánh nặng cho nền kinh tế khi xét đến việc giảm đáng kể nhu cầu năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Nhìn chung, bài nghiên cứu ước tính rằng chi phí năng lượng sẽ thấp hơn 45% đối với người tiêu dùng và thấp hơn 11% đối với ngành công nghiệp vào năm 2050 so với mức ở năm cơ sở.
Chủ đề nghiên cứu của GS. Soocheol Lee thu hút sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự. Hoạt động thảo luận gợi mở nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được phân tích và nghiên cứu trong tương lai như đánh giá tác động của việc các nước khác (đặc biệt là EU và Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) ban hành các chính sách trung hòa carbon (carbon neutral policies) đến nền kinh tế Nhật Bản hay điều chỉnh các đường cong học tập (learning curve) của các công nghệ khử carbon để phản ánh chính xác tác động của việc đổi mới công nghệ tới mục tiêu trung hòa carbon.
TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Khoa Kinh tế đặt câu hỏi thảo luận
Với tinh thần trao đổi học thuật tích cực, buổi sinh hoạt CELG seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp. Dự kiến buổi sinh hoạt tiếp theo trong chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ CELG Seminar sẽ diễn ra trong tháng 09/2022. Rất mong nhận được sự quan tâm tham gia từ quý nhà nghiên cứu.